Dấu hiệu lãi suất cho vay đang rục rịch hạ nhiệt khi các “ông lớn” trong hệ thống ngân hàng công khai mức lãi suất mới. Tuy nhiên, khách hàng vẫn chờ lãi suất cho vay hạ nhiệt đồng loạt và nguồn vốn giá rẻ hơn thực sự đến tay.

Lãi suất “ngập ngừng” hạ nhiệt

Ngân hàng TMCP Vietinbank, Vietcombank, BIDV đã áp dụng mức lãi suất cho vay hạ hơn so với mặt bằng lãi suất chung trên thị trường. Đại diện Vietinbank cho biết: Lãi suất cho vay thấp nhất áp dụng với cho vay nông nghiệp, nông thôn là 16,3%/năm.

Hiện tại, Vietinbank vẫn đang duy trì các chương trình tài trợ cho xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp phụ trợ... với mức cho vay thấp hơn 2% so với lãi suất thông thường. BIDV cũng đã hạ mức cho vay xuất khẩu là 15%, còn lĩnh vực nông nghiệp nông thôn ở mức 15,5%.

Theo ghi nhận của NTNN, ngoài một vài NH đã công bố mức lãi suất hạ nhiệt, còn lại hầu hết các NHTM vẫn đang trong tình trạng “nghe ngóng” thị trường bởi lo ngại hạ lãi suất vào thời điểm này sẽ gây nên sự “xáo trộn” đối với nguồn vốn của NH.

Bình luận về khả năng hạ lãi suất cho vay đồng loạt ở các NHTM, TS Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội) cho rằng: “Đang có rất nhiều cơ sở để giảm lãi suất, vấn đề chỉ là quyết định của các NHTM”.

Về nguyên nhân khiến các NHTM chưa tích cực hưởng ứng xu hướng hạ lãi suất cho vay, ông Phong lý giải: Có hai lý do chính. Thứ nhất sức cản lạm phát chưa rõ ràng. Mặc dù chỉ số tiêu dùng tháng 1 ở dưới ngưỡng 1% nhưng tháng 2, và các tháng tiếp theo sẽ không giảm sâu và có thể cao hơn mức này. Thứ hai, thanh khoản của các NH hiện nay vẫn đang chưa thật “vững”.

Cùng chung quan điểm này, TS Nguyễn Trí Hiếu -chuyên gia tài chính, ngân hàng nhận định: “Rất khó dự báo thời điểm nào lãi suất sẽ hạ, bởi ngay cả khi ở mức cao như hiện nay, nhiều NH vẫn trong tình trạng căng thẳng thanh khoản do đó nguồn vốn để cho vay vẫn còn bị bó hẹp”.

Đầu tuần qua, NHNN cũng đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012, chia theo 4 nhóm mà theo lãnh đạo một ngân hàng cổ phần nhận xét đây vừa là tín hiệu vừa là cơ sở để lãi suất cho vay có thể hạ trong thời gian tới.

Tuy nhiên, một số ý kiến chuyên gia thì lạc quan khi cho rằng: 5 NH vừa được Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho phép áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng VND bằng 1/5 mức thông thường được kỳ vọng sẽ là những NH có nguồn vốn dôi dư để có thể hạ nhiệt lãi suất, cho vay lĩnh vực sản xuất, mà ưu tiên được tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Chờ cơ hội vay vốn giá rẻ!

TS Nguyễn Trọng Tài - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học NH (Học viện NH) khẳng định: Hạ lãi suất là điều cần làm nhất thời điểm này. Các doanh nghiệp đang mong ngóng, hy vọng khả năng vay được vốn “giá rẻ” trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, việc lãi suất cho vay hạ nhiệt với mức như công bố của nhiều NH vẫn chưa phải là đảm bảo để khách hàng là nông dân và các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có thế vay được nguồn vốn giá rẻ này.

“Lãi suất giảm, không có nghĩa tất cả các hồ sơ của doanh nghiệp đều được chấp nhận, giải ngân bởi những yêu cầu khắt khe về thủ tục giấy tờ mà quan trọng nhất là sẽ phải chứng minh doanh nghiệp hoạt động ổn định, an toàn và đảm bảo có khả năng trả nợ” - ông Nguyễn Huy Hùng - Giám đốc một doanh nghiệp may mặc xuất khẩu ở Hà Nội cho biết.

Ông Lê Đức Nam - chủ trang trại nuôi gà tại Hòa Bình cho biết, ông nhiều lần vay vốn của NH, nhưng trên thực tế rất hiếm khi vay được vốn với mức lãi suất “rẻ” như công bố. Trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục thường khách hàng sẽ bị nâng mức lãi suất lên cao hơn bởi những tiêu chí khắt khe do NH yêu cầu mình không đáp ứng được.

Để những chính sách ưu đãi lãi suất và nguồn vốn đối với lĩnh vực “tam nông” trở thành hiện thực và phát huy hiệu quả, khách hàng khu vực nông thôn, nông nghiệp được có trong tay nguồn vốn giá rẻ, theo các chuyên gia kinh tế vẫn rất cần những chính sách hỗ trợ từ phía NHNN.

Và một trong những biện pháp hỗ trợ từ phía NHNN được kỳ vọng là sớm hiện thực hóa lời cam kết của Thống đốc NHNN khi định hướng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn: “Sẽ dành một phần tiền cung ứng cho tái cấp vốn để các tổ chức tín dụng cho vay nông nghiệp và phát triển nông thôn”.

Tin tức khác