CHỦ THUYẾT THUYỀN KHÔNG
CHỦ THUYẾT THUYỀN KHÔNG
Khoảng 7 thế kỷ trước Công Nguyên, các nhà tư tưởng Iran, Ấn Ðộ, Hi Lạp, Trung Quốc, v.v... đã đua nhau nêu ra lắm bí quyết tồn tại cho con người trong cuộc đời. Phạm vi bài này chỉ đề cập thuyết Thuyền Không của Ðặng Tích (Trung Quốc).
Mẩu chuyện ngụ ngôn xuất sắc của ông về thuyết này như sau:
Có một chiếc thuyền nọ chở khẳm, đang cực nhọc vượt thác từng tấc một trong đêm tối. Chợt phía thượng nguồn hiện ra một thuyền khác lao xuống băng băng. Thủy thủ thuyền nọ gào lạc cả giọng và còn huơ đèn ra hiệu rối rít thế nhưng thuyền kia cứ ào ào lao tới húc vỡ thuyền nọ. Toàn bộ hàng hóa trên thuyền bị cuốn theo dòng thác hung hãn không sao thu hồi được nữa. Vài thủy thủ thoát nạn, họ hết sức căm phẫn chiếc thuyền gây sự nọ, hối hả bơi vào bờ rồi thuê thuyền nhẹ ráo riết rượt theo.
Ðến gần sáng thì họ đuổi kịp. Các thủy thủ hung hăng cặp mạn thuyền kia rồi ào ào vào khoang tìm kẻ ác ý để "sửa trị" đích đáng. Kết quả là chiếc thuyền kia rỗng không. Cuộc bắt đền bất thành. Cơn giận sôi sục đã khiến họ dốc hết sức lực bình sinh chèo thuyền như điên cuồng, giờ đây xẹp xuống quá nhanh, làm cho họ bỗng chốc mệt nhoài, ngao ngán thở dài chẳng còn biết trút giận vào đâu.
Thông điệp của Ðặng Tích gửi qua truyện ngụ ngôn này là: Thân phận con người trong đời thật mong manh bất trắc như chiếc thuyền nhẹ giữa dòng sóng dữ không biết có đủ sức cầm cự với sóng nước hay phải trôi giạt về đâu. Nguyễn Gia Thiều (1741 - 1789) đã nêu bật hình tượng ấy bằng những câu thơ Cung Oán Ngâm Khúc:
Cái quay búng sẵn lên trời,
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm...
Và:
Sóng cồn cửa bể nhắp nhô,
Chiếc thuyền bào ảnh thấp tho mặt ghềnh.
Phan Kế Bính (1875 - 1931) cũng đã chọn dịch một bài thơ đặc sắc của Nguyễn Trãi (1380 - 1442) bàn cùng chủ đề đó bằng nỗi niềm tha thiết hơn nhiều:
Sự đời như chiếc thuyền không,
Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay?
Chắc chi thiên hạ đời nay,
Mà đem non nước làm rầy chiêm bao?
Ðã buồn vì trận mưa rào,
Lại đau vì nỗi ào ào gió đông.
Mây trôi nước chảy xuôi dòng,
Chiếc thuyền lờ lững trên sông một mình...
Nguyễn Trãi cố giữ thái độ tỉnh táo trước bao biến cố sôi động của thời cuộc bấy giờ (nhà Minh thôn tính nước ta cực kỳ tàn bạo), nhưng rồi chính ông lại không kiềm giữ nỗi cho chiếc "thuyền không" mà phải ra sức chở đầy thù nhà nợ nước để rồi bị cuốn vào vòng xoáy nghiệt ngã của thời thế. Rồi sau khi đã ổn định được thời cuộc, nhận địa vị công thần số một của Lê Lợi, ông còn phải chật vật giữa đám người tranh công tàn nhẫn để leo đến chức Nhập Nội Hành Khiển (tương đương Thủ Tướng ngày nay) cuối cùng ông lại bị cuộc đời nhấn chìm vào hình phạt tru di tam tộc vô cùng bi đát trong thảm án Lệ chi viên. Nguyễn Trãi đã lập chí "thuyền không" qua bài thơ nọ ngay từ đầu, thế nhưng rốt cuộc lại bị "chìm" vì thuyền mình chở... quá khẳm!
Lão Tử đặt vấn đề "thuyền không" thẳng thắn hơn: con người phải biết giữ cái tâm cho "rỗng" (hư) và "lặng" (tĩnh) sống sao cho hiền lành, tiện tặn, đừng hiếu thắng (Nhất viết từ, nhị viết kiệm, tam viết bất cảm vi thiên hạ tiên - Ðạo Ðức Kinh).
Những tiêu chuẩn ấy của Lão Tử nghe có vẻ phong phú và chặt chẻ hơn Ðặng Tích nhưng cả hai đều đặt con người vào thế bị động, dễ bị kẻ mạnh hơn kiềm chế, điều khiển, chi phối, rất khó duy trì chí hướng đeo đuổi ban đầu, nhất là ngôn ngữ dân gian lại luôn dạy người ta "lên voi, cầm giáo" hoặc "cờ đến tay ai, người nấy phất" và còn kích động người ta "theo gió phất cờ", .v.v.. khiến cho người ta khó lòng cưỡng lại "số mệnh" để giữ vẹn tinh thần "thuyền không" dù biết đấy là phương cách khôn ngoan nhất.
Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) đã tiếp thu tư tưởng người xưa rồi "nắn" lại cho mình một bản sắc thích nghi, tạo hài hòa cho chí hướng với cuộc đời qua mấy câu Hát nói:
Người có biết ta hay chẳng biết,
Chẳng biết ta, ta vẫn là ta.
Linh khâm bảo hợp Thái hòa,
Sạch không trần lụy, ấy là thần tiên.
Ngang tàng lạc ngã tính thiên...
Ý thức tự tại của Nguyễn Công Trứ khá mạnh mẽ và thật độc đáo. Cái "ta" của ông sừng sững, bất chấp mọi áp lực bên ngoài. Ông tiêu biểu cho tinh thần nhập thế, dấn thân, chấp nhận tất cả. Ông hăm hở lao vào mọi lĩnh vực, được giao nhiệm vụ rồi hoàn thành xuất sắc, thế nhưng vẫn giữ lòng như chiếc "thuyền không", chẳng thèm gây bè cánh thế lực, chẳng bo bo bám giữ cái còn, chẳng xót xa tiếc nuối cái mất. Ðang làm đại tướng bị cách làm lính thú, ông coi cả hai cảnh ngộ ấy có ý nghĩa như nhau trên mặt bằng cuộc sống, không thèm phân biệt vinh, nhục, không thèm e dè điều đáng thi phi. "Sạch không trần lụy" là cách xử lý trung thực nhất của ông đối với chủ thuyết "thuyền không". Ông từng đã nhiều lần giữ các chức quan đầu ngành: Tổng đốc, Tả Ðô ngự sử, Binh bộ thượng thư, Doanh điền sứ, Phủ doãn, v.v... thế mà khi về hưu, ông rũ sạch mùi danh vọng, không thèm bu bám hư danh "nguyên" này, "cựu" nọ, chỉ sắm xe bò lịch kịch du ngoạn ung dung (Ðủng đỉnh bò vàng đeo nhạc ngựa...) Năm 73 tuổi ông còn cưới cô gái 17 tuổi làm vợ thứ 14 nhưng với ông, đấy không phải là chuyện đa mang đèo bòng mà là thủ đoạn nguy trang để hạng tiểu nhân không có cớ gièm pha. Ðấy là phương cách "thuyền không" khá tuyệt vời. Quả nhiên ông đã che mắt được những kẻ đơm đặt hại người thuộc loại Nguyễn Công Nhàn, thành thử ông hí hửng:
Trong triều ai ngất ngưởng như ông...
Bởi vì đến thời điểm ấy, Việt Nam chỉ mới có hai trường hợp như thế:
Thế gian mấy kẻ tài tình?
Lão Trần là một, với mình là hai!
(Trần Tu ở tuổi 73 như ông được vua gả công chúa 17 tuổi. Dân gian có câu ca:
Trần Tu tuổi bảy mươi ba,
Ði thi đỗ Trạng, vợ nhà con chưa.
Vua hỏi chàng mới bày thưa.
Lệnh truyền công chúa gả đưa cho chàng.
Có vợ lại có bạc vàng,
Công thành danh toại mọi đàng hiển vinh...)
Ðiều thú vị trong sách lược nguy trang ấy là trong bài ca trù đề cập mối duyên đặc biệt nọ của mình, Nguyễn Công Trứ đã "để đời" một câu hóm hỉnh... trên cả tuyệt vời:
Tân nhân dục vấn lang niên kỷ,
Ngũ thập niên tiền nhị thập tam...
Tạm dịch:
Cô em muốn hỏi tuổi chàng,
Năm mươi năm trước rõ ràng hăm ba...
Ông vui sống hiên ngang (ngang) nhưng không phô trương triết lý nhập thế tích cực (tàng) và dân chúng các huyện Kim Sơn, Tiền Hải ở Thái Bình, các tổng Hoành thư, Ninh nhất ở Nam Ðịnh không ai "hoan hô", "muôn năm" ông, mà họ chỉ lẳng lặng làm đền thờ ông ngay khi ông còn sống Công lao lấn biển đưa dân nghèo đến lập nghiệp những nơi đó là điều mà trước ông và sau ông có lẽ chưa ai thành công bằng ông.
Nguyễn Công Trứ chủ trương sống hết lòng với đời, không "giữ lại" trong lòng chút mưu mô thủ đoạn nào, tuy có lắm kẻ ghen ghét nhưng rốt cuộc chẳng làm gì ông được một khi ông đã "đắc đạo" thuyền không. Ông nêu cho mình phương châm "Linh khâm bảo hợp Thái hòa" (đem lòng mình hòa với đạo trời).
Vậy đạo trời mà Nguyễn Công Trứ đề cập là gì?
Lão Tử từng so sánh đạo trời với đạo người như sau:
- Ðạo của trời thì làm hao cái dư bù cho cái không đủ. Ðạo của người thì không vậy: đem cái không đủ cung phụng cho cái có dư (Thiên chi đạo, tổn hữu dư nhi bổ bất túc. Nhân chi đạo tắc bất nhiên: Tổn bất túc dĩ phụng hữu dư - Ðạo Ðức Kinh).
- Ðạo Trời (ngày nay nên coi đấy là thứ siêu quy luật của tự nhiên) thì chủ trương đem cái dư bù chỗ thiếu, bằng chứng là mưa gió san bạt cái đỉnh núi cao đưa lũ lụt mang chúng xuống biển, rải lại dọc đường những cao nguyên, bình nguyên, rồi lại đưa hạt giống đi xa theo gió, theo nước để phát triển cuộc sống muôn loài. Nếu con người đừng chất chứa các tính tham lam, ích kỷ, hiếu thắng, v.v.. mà biết chăm giữ cho tâm hồn mình nhẹ nhõm như chiếc "thuyền không" thì toàn thể vũ trụ đâu đâu cũng sẽ đạt được đạo Thái hòa (hòa hợp lớn lao), không chỗ nào thiếu, chẳng nơi nào thừa, không "thuyền" nào bị lật chìm do chở quá khẳm. Thuyết xã hội đại đồng thực ra cũng chỉ thu hẹp tư tưởng Thái hòa đó.
- Lối sông dấn thân hết mình của Nguyễn Công Trứ thoạt đầu có vẻ đi ngược "chủ thuyết thuyền không" của Ðặng Tích thế nhưng ý thức vị tha của ông, tinh thần "sạch không trần lụy" của ông chính là một biện pháp "thuyền không" tích cực nhất, mang tính khả thi cao nhất. Phải nạp cho đầy thuyền trước đã rồi mới trút "sạch không" cho đời, đấy mới là cách tạo nên nhựa sống cho xã hội loài người, mới vận dụng "chủ thuyết thuyền không" hợp lý nhất, hữu hiệu nhất, minh triết nhất.
Như vậy, ta cần phải hiểu rằng chủ thuyết "Thuyền không" thực chất là dành cho người siêng năng, vị tha khi họ đã "biết đủ", "biết dừng" để nhường đường cho lớp hậu sinh tài cán chứ thuyết ấy không phải dành cho kẻ lười nhác, vị kỷ, trốn tránh nghĩa vụ làm người.
Về tổng quát, mỗi học thuyết chỉ có giá trị cho một giai đoạn, một hoàn cảnh thích hợp nào đó cho mỗi con người. Vai trò chủ yếu của học thuyết là để tham khảo chứ không phải để cưỡng bách áp dung. Ðã có những học thuyết trong quá khứ lịch sử, ngày nay chỉ còn giá trị lợi dụng chứ không hề còn giá trị thực dụng nữa.
Thuyết "thuyền không" của Ðặng Tích ra đời để làm "giảm nhiệt" cuộc xâu xé khốc liệt của liệt quốc thời Xuân Thu ở Trung Quốc. Rời khỏi hoàn cảnh ấy nó trở thành lực cản cho những cố gắng của con người trong công việc xây dựng và phát triển để vươn lên tầm cao của cuộc sống.
Trong phạm vi hẹp của mỗi tộc họ, mỗi gia đình, mỗi khu dân cư thuyết "thuyền không" góp phần duy trì hòa khí vốn là thứ thường làm hao tốn nhiều tâm huyết mới tạo ra được nhưng lại dễ bị những phần tử kém hiểu biết làm mất mát dễ dàng nhất.
Giáo Sư Ngô Văn Lại 吴文赖老师
Việt Nam, 2006